Tổng số lượt xem trang

NGÀY XƯA ...








Satế Nguyễn Văn Thưởng - viết báo bằng tranh biếm
Họa sĩ biếm Satế Nguyễn Văn Thưởng.

Hoạ sĩ Nguyễn Văn Thưởng với bút danh Satế là hoạ sĩ biếm VN duy nhất đoạt một giải (bằng danh dự) tại Cuộc thi tranh biếm hoạ quốc tế lần thứ 25 do báo Yumiuri Shimbun - tờ báo Nhật Bản có số phát hành hàng ngày hơn 14 triệu bản - tổ chức...


1. "Chả được tiền bạc gì đâu nhưng tôi rất sung sướng vì nó củng cố hướng đi mà tôi đã chọn", Satế nheo đôi mắt đang loạn thị và mỉm cười khi "giới thiệu" khả năng của mình.
Vượt trên 7.913 tác phẩm biếm từ thắp nơi trên thế giới, tranh biếm của Satế thoạt xem rất đơn giản. Anh vẽ ba ông già ra công viên hít thở không khí thiên nhiên trong lành nhưng đằng sau mỗi người đều có một chiếc xe đẩy nhỏ có một chậu cây xanh "cho chúng nó cũng được hít thở không khí như mình"... Bức tranh không lời với ý nghĩa bảo vệ môi trường này của Satế đồng điệu với Ban giám khảo đã giúp anh đoạt giải.
Tự học vẽ, hiện là cộng tác viên lâu năm của báo Tuổi Trẻ, Tuổi Trẻ Cười và một số tờ khác, gần đây độc giả vẫn thấy anh thường "xuất hiện" cuối góc trái trang 2 báo Tuổi trẻ hàng ngày ở mục "góc biếm hoạ", với những đề tài rất thời sự.
Đó là chuyện "băng cá nhân" chữa lành vết thương cho từng cá nhân nhưng không có "băng tập thể" cho những sai sót dạng "tập thể cùng chịu trách nhiệm", chuyện chiếc biển quy hoạch treo lâu ngày sút ốc nhưng được "sửa chữa" bằng... chiếc mắc áo, chuyện bắt trẻ con học đàn ngày hè với kết quả là những nốt nhạc mang hình "cái chổi lông gà" giống như của bà mẹ cầm lăm lăm sau lưng, hay chuyện thể thao với toàn bộ các cầu thủ cùng giơ thẻ đỏ truất quyền cầm còi của trọng tài...


Tất cả những hình biếm hoạ đó được anh vẽ hầu như không có lời nhưng ẩn sâu trong đó là sự đả kích sâu cay, sự châm biếm dí dỏm đáng yêu có ý nghĩa nhân văn.

2. "Thời gian sáng tác một bức biếm hoạ của anh mất bao lâu"? "Ý tưởng xuất hiện rất nhanh ngay sau khi đọc một bài báo, xem truyền hình, thậm chí nghe một quan chức nào đó phát biểu nhưng tìm hình ảnh  cho thật "đắt" mới khó. Thật ra vẽ tranh biếm không phải quá khó về hình hoạ nhưng ẩn sâu cái cười ý nhị, thâm thuý là cả một vấn đề lớn đặt ra với người hoạ sĩ biếm. Cách cười của tôi, với mong muốn làm sao phải sâu sắc hơn, nhân bản hơn. Với tôi, tranh biếm khiến độc giả có thể cười, hoặc không cười nhưng nó phải có một ý nghĩa nhân văn nào đó".
Cũng phải nói thêm, tranh biếm của Satế (cũng là người Việt Nam duy nhất) được chọn trong vựng tập của Salon biếm quốc tế Zemun 2003 tổ chức tại Bosnia- Herzegovina với hình đội trưởng của hai đội bóng trao quà kỷ niệm cho nhau trước khi trận đấu bắt đầu và món quà là "một túi thuốc y tế" khiến cho trọng tài trố mắt ngạc nhiên, để phê phán thói đá dữ trên sân cỏ.
Với Satế, vẽ biếm hoạ như để giãi bày, bởi theo anh phải nuôi ý tưởng, ấm ức, bực bội về nó nhằm tìm ra một hình ảnh độc đáo, chứ không phải là một nghề kiếm sống bởi anh là một người đang rất phát đạt trong việc sáng tác logo cho các công ty, đồng thời anh còn làm cộng tác viên về ý tưởng cho một số công ty quảng cáo nên sự bức bách về kinh tế xem ra được loại trừ.
Satế, Tạtúm (cách đọc ngược chữ mùtạt trong gương) là những bút danh của hoạ sĩ biếm Nguyễn Văn Thưởng, những cái tên mới nghe đã thấy sự cay nồng, châm chích.

HẢI ÂU ( Thể Thao & Văn  Hóa)

*******************